Chỉ cần gõ từ khóa ” cà phê bẩn “, chỉ trong vòng 0,42 giây phần mềm tìm kiếm đã thông báo 2.760 kết quả tìm kiếm. Là một cường quốc về cà phê nhưng ngay tại Việt Nam người tiêu dùng vẫn đang hàng ngày sử dụng cà phê bẩn. Băn khoăn trước thực trạng này, một người con của vùng đất Tây Nguyên đã quyết tâm tìm về với giá trị thực của những hạt cà phê nguyên chất.
Tuyên chiến với cà phê bẩn, tiên phong trong việc định vị và thay đổi “gu” thưởng thức cà phê sạch của người Việt – là những thành công không thể phủ nhận của doanh nhân Đinh Bạch Dương – CEO Nguyen Chat Coffee&Tea. Tuy nhiên để chạm tay được vào “vòng nguyệt quế”, CEO này đã từng trải qua chuỗi thành công và thất bại khó ai có thể tưởng tượng nổi.
Học đồng thời 2 trường đại học danh tiếng tại TP. HCM là ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế, bận rộn là thế nhưng chàng trai trẻ Đinh Bạch Dương vẫn nung nấu ý định sớm bước chân vào thương trường. Khi Đinh Bạch Dương tốt nghiệp đại học cũng là thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu manh nha hình thành. Nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, trong vòng 7 năm (2001-2007) chàng trai trẻ đã sở hữu hơn 200 tỷ đồng từ việc mua bán nhà đất. Tự tin khi quá trình đầu tư gặt hái liên tiếp thành công, anh hòa mình theo xu hướng đầu tư mới vào năm 2007 – tham gia vào thị trường chứng khoán.
Tại thời điểm đó, chỉ số VN-Index liên tiếp lập kỷ lục mới. Ngày 12/3/2007, những nhà đầu tư chứng khoán như bước đi trong mơ khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử với kết phiên ở mức 1.170,67 điểm. Nhắc lại như thế để thấy rằng Đinh Bạch Dương có cơ sở để tự tin rằng mình sẽ tiếp tục thành công với lĩnh vực mới này.
Tuy nhiên, lần này vận may đã không mỉm cười với anh!
Sau khi chạm đỉnh, thị trường chứng khoản đã trải qua phiên “rực lửa”. VN-Index nhanh chóng sụt giảm chỉ còn 744,92, Hastc-Index xuống còn 255,42 điểm vào giữa tháng 2/2008. Mua đắt bán lỗ, lại dùng đòn bẩy tài chính cao, Đinh Bạch Dương tuy nhanh chân rút khỏi thị trường khi chỉ số VN-Index giảm xuống quanh ngưỡng 900 điểm. Tuy vậy, số tiền hơn 200 tỷ đồng tích lũy được trong thời gian trước đó cũng đã ra đi nhanh chóng, đây là bài học cay đắng nhất trong suốt hành trình đầu tư của Đinh Bạch Dương.
Sau thời gian suy sụp, anh quyết định xốc lại tinh thần và triển khai liên tục công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bươn chải vì công việc thì nhiều, nhưng dường như “vận đen” vẫn không ngừng đeo đuổi Đinh Bạch Dương khi đa phần các dự án đầu tư đều thất bại, hợp tác với bạn bè và đối tác cũng không thành công. Ở tuổi 33, anh nhận ra rằng mình chẳng còn lại gì ngoài hai bàn tay trắng.
Cuộc đời của chàng trai Tây Nguyên có lẽ sẽ mãi chìm trong u ám nếu như không có một ngày ngồi chuyện trò cùng bạn bè tại quán cà phê “ruột”, anh bỗng thắc mắc về hương vị của những ly cà phê. Là một người con của vùng đất đỏ bazan, anh thuộc nằm lòng từng hương vị cà phê, nhưng khi nhấm nháp ly cà phê trong quán lại không hề là thứ mùi hương đã gắn bó với tuổi thơ của anh. Rõ ràng những nhà sản xuất đã làm gì đó để cà phê sánh hơn, thơm hơn. Vậy thứ đồ uống này có thực sự còn là cà phê?
Anh bắt đầu đi khảo sát các điểm bán cà phê, từ những quán cóc bình dân ven đường đến những quán lớn có thương hiệu. Kết quả chung thu về được vẫn là những ly cà phê sánh đậm vị thơm, màu đen đặc, nhiều bọt màu nâu đen đậm- khác hoàn toàn với thứ đồ uống đã gắn bó với anh từ những ngày thơ ấu.
Để trả lời cho câu hỏi này anh đã đến các cơ sở sản xuất, rang xay cà phê và bất ngờ với hàng loạt các công thức chế biến cà phê khác lạ. Để chiều theo khẩu vị người uống, các cơ sở chế biến đã cho thêm caramel, bơ, cacao, trộn cả đậu nành, đậu bắp rang cháy để vừa tạo độ béo vừa gia tăng lợi nhuận.
Thực tế trong lịch sử thứ cà phê trộn này đã xuất hiện trên thế giới và Việt Nam từ lâu. Trong thế chiến thứ II, khi hoạt động giao thương đình trệ khiến nguồn cung trở nên khan hiếm đã buộc nhiều nhà cung cấp phải tạo ra món đồ uống có hương vị tương tự cà phê để cung cấp cho người tiêu dùng. Ngay tại Việt Nam, thời điêm sau năm 1975, do lượng hạt cà phê sản xuất được ưu tiên cho thị trường xuất khẩu nên các nhà sản xuất đã tạo ra thức uống mới. Đó là thứ cà phê pha trộn hạt cà phê thứ phẩm với bơ, caramel, sữa, đậu nành, cau rang… Khi lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường ngày càng nhiều, người tiêu dùng vì vậy cũng quen với thứ thức uống pha trộn này chứ không phải là cà phê nguyên chất nữa.
Càng tìm hiểu, Đinh Bạch Dương càng nhận ra một nghịch lý rằng tại một quốc gia có sản lượng xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, thế nhưng người tiêu dùng hàng ngày vẫn phải uống thứ cà phê trộn không rõ nguồn gốc. Với suy nghĩ “đã đến lúc người Việt cần được thưởng thức một ly “cà phê” chuẩn cà phê, anh bắt đầu đi tìm kiếm nguồn nguyên liệu sạch.
Từ năm 2011, sau quá trình đi thực địa, Đakmil và Cầu Đất lần lượt là hai địa danh được anh khoanh vùng sản phẩm bởi đây là quê hương của giống cà phê Robusta và Moka nổi tiếng thế giới. Việt Nam có 5 chủng loại cà phê phổ biến gồm Robusta, Arabica, Liberia, Culi, Moka. Trong đó Robusta đóng vai trò làm nền cho hương vị cà phê Việt bởi vị đậm đà. Moka là một nhánh sản phẩm đặc biệt của Arabica do có hương thơm nồng nàn nhất trong các chủng cà phê. Riêng Culi là những hạt đột biến một nhân trong các vườn cà phê, với vị đặc trưng là đắng gắt và có độ sánh cao nhất. Với 3 loại hạt cà phê này nếu được pha trộn theo tỷ lệ hợp lý sẽ tạo ra những ly cà phê đủ hương thơm độc đáo mà vẫn trọn vị nguyên chất.
Tìm được giống tốt đã đành, tìm được nơi thổ nhưỡng phù hợp để gieo trồng nên những giống cà phê chất lượng cao cũng không đơn giản. Đó là chưa kể đối với sự thành công của cà phê thì công đoạn rang xay rất quan trọng. Kiên quyết phát triển dòng sản phẩm cà phê sạch, anh áp dụng hình thức rang mộc mà không sử dụng thêm bất kỳ phụ liệu nào khác để pha trộn. Rang xay xong đến khâu phối trộn các dòng cà phê, anh chỉ sử dụng 3 loại chính gồm Robusta, Culi và Moka chứ không thêm phụ gia để đảm bảo được vị tinh khiết của cà phê nguyên chất. Các khâu sản xuất đã hoàn chỉnh, Đinh Bạch Dương bắt đầu tìm hướng đi cho sản phẩm. Tuy đã dự kiến được những khó khăn sẽ phải đối mặt, nhưng bản thân anh cũng không ngờ rằng hầu hết các quán đồ uống và cửa hàng phân phối đều từ chối không nhập cà phê nguyên chất bởi e ngại người dùng sẽ không quen với mùi vị mới của sản phẩm này.
17 loại cà phê của Nguyen Chat Coffee&Tea đều đảm bảo tiêu chí sạch, nguyên chất, rang mộc, không trộn lẫn bất kỳ tạp chất nào khác. Nhận định thói quen uống cà phê của người tiêu dùng chủ yếu vào buổi sáng, CEO của Nguyen Chat Coffee&Tea đã nhanh chóng bổ sung thêm các loại thức uống khác để menu đồ uống ngày càng phong phú hơn. Trà và cacao là những sản phẩm tiếp theo được anh nghiên cứu và sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, hoàn toàn thiên nhiên cũng đã được thị trường đón nhận tích cực. Nhờ đa dạng hóa menu, Nguyen Chat Coffee & Tea hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu của tất cả các phân khúc đối tượng khách hàng, qua đó góp phần tối đa hóa doanh số, giúp chủ quán đạt được mức lợi nhuận tốt.
Song song với việc mở rộng hệ thống, CEO Đinh Bạch Dương còn kiên trì làm công tác truyền thông cho cà phê sạch cũng như đưa ra những ý kiến đánh giá về tác hại của cà phê trộn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Bước ngoặt đánh dấu cho sự phát triển nhanh chóng của chuỗi cà phê nguyên chất chính là vào thời điểm năm 2015 khi cà phê bẩn bị báo chí phanh phui, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
CEO Đinh Bạch Dương nhận thấy đây chính là cơ hội để những dòng sản phẩm cà phê nguyên chất của mình lên tiếng. Anh đã quyết đi một nước cờ lớn khi tuyên bố “sản phẩm của Nguyen Chat Coffee&Tea tuyên chiến với cà phê bẩn”. Chỉ trong vòng 3 năm sau đó, thương hiệu của CEO Đinh Bạch Dương đã phủ sóng khắp 63 tỉnh thành với hơn 1500 quán (bao gồm nhượng quyền quán mở mới, quán chuyển đổi mô hình kinh doanh sang cà phê sạch và rất nhiều điểm bán di động.) Hiện nay, sản lượng bình quân của công ty cung ứng ra thị trường luôn tăng trưởng hơn 30% mỗi tháng và luôn vượt cao hơn so với kế hoạch đề ra.
Kiên trì theo đuổi chân lý “cà phê phải là cà phê”, Nguyen Chat Coffee&Tea ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu thay đổi thói quen uống cà phê của người Việt. Từ đó, danh hiệu “Vua cà phê sạch” được nhiều người ưu ái dành tặng cho CEO Đinh Bạch Dương, người có công mở đầu trong việc sản xuất cà phê nguyên chất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt.
Thành công của Nguyen Chat Coffee&Tea được CEO Đinh Bạch Dương lý giải trong 3 yếu tố: nguồn lực, kiến thức, thời điểm đầu tư. Nguyen Chat Coffee&Tea ra đời vào thời điểm anh đã tích lũy được một phần tài chính sau thời gian trượt dài trong thất bại. Là một người con của vùng đất Gia Lai, anh không chỉ am hiểu về cà phê mà còn am hiểu văn hóa Tây Nguyên để từ đó tạo nên nét riêng biệt cho hệ thống phân phối sản phẩm. Thời điểm đầu tư vào cà phê sạch cũng rất thuận lợi khi đến hơn 90% người tiêu dùng cà phê đang sử dụng nguồn nguyên liệu bẩn, việc đưa thông điệp cà phê nguyên chất ra thị trường sẽ kích thích tiêu dùng hiệu quả.
Sự thành công của Nguyen Chat Coffee&Tea không chỉ đến từ hệ thống hơn 1.500 quán cà phê, mà còn đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của chuỗi cửa hàng nhượng quyền. Hàng ngày lượng khách hàng gọi đến không dưới 100 cuộc điện thoại để tìm hiểu thông tin về sản phẩm và đặt vấn đề nhượng quyền. Trung bình mỗi tháng, thương hiệu của CEO Đinh Bạch Dương mở từ 30-50 chi nhánh nhượng quyền – tốc độ phát triển kỷ lục đủ khiến cho nhiều “ông lớn” trong ngành phải ghen tỵ.
Để gia nhập chuỗi nhượng quyền, các thành viên đều phải thông qua quy chuẩn khảo sát mặt bằng và thực hiện thi công trong vòng 7 ngày. Các quán cũng được công ty hướng dẫn vận hành phần mềm quản lý thông tin sản phẩm và tài chính. Tất cả các công đoạn gói gọn trong mức đầu tư thấp nhất là 69 triệu đồng, đã mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư tại các tỉnh thành trên cả nước. Không dừng lại ở đó, để người tiêu dùng có nhiều cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, CEO Đinh Bạch Dương còn phát triển mô hình “Gia đình cà phê sạch” đến từng quầy bán hàng nhỏ lẻ. Cùng với quá trình công ty phổ cập kiến thức về cà phê sạch, các quầy hàng này đều phải cam kết sử dụng nguồn sản phẩm của Nguyen Chat Coffee&Tea, không được pha trộn thêm nguồn sản phẩm bẩn nào khác.
Trước tình hình thị trường vẫn còn tồn tại nhiều sản phẩm cà phê bẩn, đến nay CEO Đinh Bạch Dương vẫn kiên trì phát triển hệ thống phân phối sản phẩm trong nước với quy trình sản xuất khép kín từ nông trường đến thành phẩm. Việc mở rộng phân phối ra thị trường quốc tế cũng được vị CEO đề cập tới khi xúc tiến với các nhà đầu tư để tham gia hoạt động nhượng quyền tại các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống như Mỹ, Pháp, Autralia…
Thưởng thức những ly cà phê nguyên chất của Việt Nam trong không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên, mỗi khách hàng sẽ có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn nữa về vùng đất đã sản sinh ra những hạt cà phê nổi tiếng thế giới. Với nét độc đáo trong không gian thưởng thức cà phê, chất cà phê trọn vị “đậm gu, đúng chất, uống là ghiền” hứa hẹn sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời cho những thực khách phương xa trong thời gian tới.