Không ít người lựa chọn lĩnh vực kinh doanh đồ uống bởi nhu cầu của nó chưa bao giờ giảm. Tùy theo loại hình và quy mô kinh doanh mà chủ sở hữu cần tiến hành những thủ tục xin các loại giấy phép nhất định. Vậy kinh doanh đồ uống cần có giấy phép gì?
Các mô hình kinh doanh phổ biến
Kinh doanh đồ uống tùy vào quy mô và tổ chức của từng chủ sở hữu mong muốn mà có thể bao gồm các hình thức sau:
- Kinh doanh cá thể, nghĩa là chỉ có bạn đứng ra chịu trách nhiệm quản lý và vận hành việc kinh doanh của cửa hàng.
- Kinh doanh hộ cá thể, là việc kinh doanh dưới sự sở hữu của một hộ gia đình, bao gồm chủ hộ và các thành viên còn lại của hộ kinh doanh cùng giám sát, quản lý, điều hành cửa hàng đồ uống.
- Kinh doanh pháp nhân, nghĩa là cửa hàng đồ uống của bạn đứng tên của một doanh nghiệp do bạn thành lập ra, hoặc bạn cùng người khác góp vốn để thành lập. Có những loại hình pháp nhân phổ biến như sau: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh liên kết….
Trong những mô hình trên thì kinh doanh hộ cá thể và kinh doanh pháp nhân được yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh đồ uống. Chi tiết sẽ trình bày ở phần sau đây.
Kinh doanh đồ uống cần có giấy phép gì?
Kinh doanh đồ uống cần có giấy phép gì? Đầu tiên đó là giấy phép kinh doanh có hạng mục kinh doanh đồ uống/kinh doanh thực phẩm…. Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh là của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tại nơi bạn mở cửa hàng đồ uống. Với hộ cá thể, bạn cần làm giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; còn với doanh nghiệp bạn cần làm giấy đề nghị đăng ký kinh doanh. Kèm theo đó, bộ hồ sơ bạn nộp lên phải có chứng minh nhân dân và biên bản họp giữa các thành viên sở hữu. Đồng thời, bạn cung cấp hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh cùng với bộ hồ sơ.
Tiếp theo, do lĩnh vực kinh doanh của bạn là một loại thực phẩm cho nên kinh doanh đồ uống cần có giấy phép chứng nhận đủ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là cục/chi cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Do đó, bạn cần nộp một bộ hồ sơ đầy đủ lên cơ quan đó, bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đề nghị sát hạch kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm (mẫu của Bộ Y tế Việt Nam, có thể đến tại Cục/Chi cục an toàn thực phẩm để lấy mẫu hoặc download trên mạng về điền vào).
- Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đăng ký hộ kinh doanh: 01 bản sao y công chứng có hiệu lực trong vòng 6 tháng.
- Chứng minh nhân dân: mỗi thành viên của doanh nghiệp/hộ kinh doanh và mỗi nhân viên lao động cung cấp 01 bản sao y công chứng.
- Giấy khám sức khỏe: mỗi thành viên của doanh nghiệp/hộ kinh doanh và mỗi nhân viên lao động cung cấp 01 bản có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày khám.
- Giấy tờ chứng minh xuất xứ và hóa đơn mua nguyên vật liệu của cửa hàng.
- Bản vẽ mặt bằng kinh doanh và các công trình xây dựng xung quanh để đánh giá môi trường vệ sinh của cửa hàng.
- Bảng kê tên và số lượng các loại máy móc thiết bị và công cụ dụng cụ có tại cửa hàng.
Thông thường, một bộ hồ sơ xét duyệt đủ điều kiện an toàn thực phẩm thường mất nhiều thời gian hơn so với đăng ký giấy phép kinh doanh. Do đó, bạn cần nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ và nộp lên cơ quan có thẩm quyền trước khi chính thức đưa cửa hàng kinh doanh đồ uống đi vào hoạt động.
Sau bài viết này, chắc hẳn bạn đã nắm được kinh doanh đồ uống cần có giấy phép gì để có thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho hoạt động kinh doanh của mình. Hãy tìm đến cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất hồ sơ một cách nhanh chóng nhất để bắt tay vào kinh doanh!