Khi góp vốn kinh doanh, nhiều người lo ngại nhất là việc phân chia lợi nhuận hay thua lỗ làm thế nào cho minh bạch. Hãy tìm hiểu góp vốn kinh doanh là gì, những điều cần lưu ý khi góp vốn kinh doanh cà phê để công việc này trở nên dễ dàng hơn.
Góp vốn kinh doanh là những hình thức hợp tác hùn vốn để mở cửa hàng hoặc một cơ sở buôn bán nhỏ. Vì vậy, tốt nhất là ngay từ đầu nên làm giấy tờ cam kết phân chia công việc, chia quyền quản lý để kiểm tra rà soát dễ dàng, đặc biệt khi xảy ra các tranh chấp về quyền lợi.
Để phân chia một cách đồng đều, cần phải tính toán các chi phí mà quá trình kinh doanh phải bỏ ra. Nếu có vấn đề liên quan đến tiền bạc, phải lấy ý kiến của mọi người ngay lập tức và ghi biên bản xác nhận.
Những điều cần lưu ý khi góp vốn kinh doanh cà phê: Chọn người hợp tác
Chọn người hợp tác có kinh nghiệm, mối quan hệ trong ngành và khả năng tư vấn
Những người này sẽ có kinh nghiệm giúp quán cà phê của bạn phát triển nhanh hơn, tránh được các rủi ro và cú vấp xảy ra.
Chọn người hợp tác có tiền nhàn rỗi
Người gọi vốn hợp tác thì lý do chính là họ đang thiếu vốn. Bởi vậy, nếu nhà đầu tư có tiền thì hãy trân trọng họ, chịu ơn họ đã bỏ tiền ra cho mình thực hiện ước mơ.
Chọn người hợp tác chỉ góp sức
Đối với những người chưa muốn góp vốn luôn mà muốn chờ xem tình hình làm ăn ra sao thì mới xuống tiền, nên thẳng thắn: chưa góp vốn thì bạn là nhân viên phải làm việc tử tế, khi góp vốn rồi thì bạn vừa là nhân viên vừa là cổ đông.
Tốt nhất là bạn hãy lựa chọn đúng người đồng hành ngay từ ban đầu. Điều đó sẽ giúp bạn tránh khỏi các tranh cãi nhức đầu sau này.
Những điều cần lưu ý khi góp vốn kinh doanh cà phê: Tiền bạc chính xác
Cọc góp vốn kinh doanh cà phê
Trong hợp đồng góp vốn kinh doanh cà phê, nên có điều khoản cọc góp vốn. Ví dụ khi chạy dự án mở quán cà phê là 1 tỷ có 2 cổ đông. Mỗi người góp vốn 500 triệu. Cọc góp vốn: 150 triệu/người.Tìm được nhà thuê hoặc sau một tháng sẽ xuống tiếp 250 triệu. Sau 3 tháng cả 2 cổ đông hoàn thành nốt 100 triệu/người.
Tiền cọc góp vốn 150 triệu/người sẽ được chi dùng cho môi giới đi tìm nhà, mời tư vấn, phí tư vấn, các chi phí khác…
Nếu có xảy ra tình trạng bỏ ngang thì người góp vốn sẽ mất cọc hoặc họ phải tìm được cổ đông khác góp vốn theo đúng tiến độ giúp dự án chạy được bình thường.
Điều khoản rút vốn kinh doanh cà phê
Sau một khoảng thời gian thì có thể được rút vốn và có điều khoản riêng trong hợp đồng nói rõ điều này. Ví dụ như được rút vốn sau 2 năm, nhiều hơn hoặc ít hơn theo thực tế tài sản được đánh giá khi rút vốn.
Điều khoản mua lại
Người bán rút vốn có thể bán lại cho cổ đông từ ban đầu vì thế phải có điều khoản mua lại. Trong số các cổ đông, không ai mua lại mới được bán cho người ngoài.
Khi gọi vốn, hãy gọi dư ra một chút để có dòng tiền mặt duy trì quán cà phê trong thời gian kinh doanh ngay lúc đầu chưa hiệu quả.