Tìm hiểu đặc điểm cafe Việt Nam

Bạn là một chủ cửa hàng cafe, bạn là người thích uống cafe, liệu bạn đã biết gì về đặc điểm cafe Việt Nam? Bài viết sau đây chúng ta cùng đi tìm hiểu đặc điểm cafe ở Việt Nam.

Phân loại thực vật cây cà phê

Cây cà phê là một loại thực vật thuộc họ thiến thảo (Rubiaceae), họ thiên thảo gồm nhiều loại thực vật khác nhau, một số loại có chưa chất caffein, một số khác thì không chứa caffein. Cây thuộc họ thiên thảo đa phần là cây thân gỗ, và một số cây trồng khác xa so với cây cà phê như: cây cầu đằng, cây canh gin na….

Hiện nay, cây cà phê có mặt tại hơn 50 quốc gia, trong số đó có một số nước xuất khẩu cà phê như: Việt Nam, Brasil…. Sau đây là ba dòng cây cà phê chính trên thế giới:

  • Coffea arabica (Cà phê Arabica) – cà phê chè, cà phê Blue Mountain;
  • Coffea canephora (Cà phê Robusta) – cà phê vối;
  • Coffea excelsa (Cà phê Liberia) – cà phê mít.

Lịch sử cà phê sử dụng làm đồ uống

Theo một truyền thuyết được ghi lại vào năm 1671, những người chăn dê ở Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay) đã phát hiện ra một số con dê sau khi ăn một cành cây có hoa màu trắng và quả màu đỏ, đã chạy nhảy không biết mệt mỏi đến tận đêm khuya. Họ bèn mang chuyện này kể lại cho các thầy tu tại một tu viện gần đó. Và khi một người chăn dê ăn thử loại quả đó anh ta đã xác nhận công hiệu của nó. Sau này các thầy tu đã đi xem xét lại khu vực ăn cỏ của bầy dê và phát hiện ra một loại cây có lá xanh thẫm và quả giống như quả anh đào. Họ uống nước ép ra từ loại quả đó và tỉnh táo cầu nguyện chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Như vậy có thể xem rằng chính đàn dê đã phát hiện ra cây cà phê từ đó người ta bắt đầu trồng và sử dụng thứ nước uống này như một cách để giữ sự tỉnh táo trong công việc. Sau đó cafe bắt đầu du nhập vào các nước sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Đến nay cà phê được xem là thứ thức uống thông dụng bậc nhất trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia, vùng địa lý lại có cách pha chế và thưởng thức cà phê riêng của mình.

Các nước trồng cà phê

Hiện nay cafe hiện có mặt trên 50 quốc gia trồng, trong đó đứng đầu về sản lượng xuất khẩu là Brasil, Việt Nam, Indonesia và Colombia. Riêng Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu cà phê vối.

5 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới năm 2007 (FAO) và 2017 (ICO)
Thứ hạng Quốc gia Tấn Bao (nghìn)
1 Brasil 2.249.010 55.000
2 Việt Nam 961.200 25.500
3 Colombia 697.377 14.500
4 Indonesia 676.475 10.000
5 Ethiopia 325.800 6.600

Nguồn gốc cây cà phê ở Việt Nam

Cây cà phê ở Việt Nam được thực dân Pháp mang đến và trồng vào cuối thế kỷ 19, các đồn điền cà phê đầu tiên được người Pháp thành lập ở vùng Kẻ Sở, Bắc Kỳ vào năm 1888. Sau đó cây cà phê được nhân rộng ra Phủ Lý, Ninh Bình rồi vào đến Kon Tum, Di Linh. Tính đến năm 1938 cả nước có 13.000 hecta cà phê, cung cấp tổng sản lượng 1.500 tấn/ năm. Tính đến năm 2016 tổng sản lượng cà phê Việt Nam chiếm 16% sản lượng cà phê trên thế giới, qua đó giúp cho cà phê Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê, chỉ đứng sau Brasil. Riêng cà phê vối, Việt Nam là nước đứng đầu về sản lượng. Cà phê ở nước ta hiện nay chủ yếu được trồng ở khu vực Tây Nguyên nhờ thích hợp về khí hậu cũng như độ màu mỡ của đất đai. Các giống chủ yếu được trồng là cà phê vối, cà phê chè, cà phê mít chiếm rất ít, chủ yếu sử dụng làm gốc ghép. Việc lai tạo ra các giống cà phê cao sản như cà phê TR4 (cà phê 138), cà phê TR9, cà phê xanh lùn (cà phê trường sơn TS5)… góp phần nâng cao năng suất chất lượng cà phê Việt Nam lên rất nhiều.

Đặc điểm của cây cà phê

  • Thân cây, lá, rễ cà phê: Cây cà phê chè nếu để phát triển tự nhiên sẽ đạt độ cao 6m còn cây cafe vối là 8 – 10m, cà phê mít đạt chiều cao tới 15m. Tuy nhiên do cafe được trồng tập trung tại các đồn điền hay các quả đồi mà người ta thường hãm ngọn ở chiều cao 2-4m. Lá cà phê hình oval thon dài, mặt trên của lá xanh bóng màu đậm, mặt dưới của lá nhạt màu hơn, cuống lá ngắn. Cách gọi cà chè, cà vối, cà mít cũng từ hình dáng lá mà ra. Rễ củ cây cà phê thuộc dạng rễ cọc, và đâm sâu vào đất 1 – 2m, ngoài ra nó còn có một hệ thống rễ phụ tỏa ra xung quanh, nằm sát mặt đất để hút chất dinh dưỡng.
  • Hoa cà phê: Hoa cà phê có màu trắng, 5 cánh, thường nở thành chùm. Nếu để tự nhiên hoa sẽ nở rải rác quanh năm, Tuy nhiên trong trồng trọt người ta thường tiến hành tưới vào đầu mùa khô để kích thích cho hoa ra đồng loạt. Hoa nở cà phê khi nở sẽ kéo dài từ 3-4 ngày, thời gian thụ phấn chỉ vài giờ đồng hồ. Khi hoa nở có mùi thơm rất dễ chịu. Nếu có dịp du lịch Tây Nguyên vào mùa tưới cà phê, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những trang trại cà phê đồng loạt nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngào ngạt
  • Quả cà phê: Sau khi thụ phấn quả cà phê sẽ phát triển trong 7 đến 9 tháng và có hình bầu dục, bề ngoài giống như quả anh đào. Khi chín, màu sắc của quả cà phê chuyển từ màu xanh sang màu vàng cuối cùng là màu đỏ. Thông thường một quả cà phê chứa hai hạt và được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hạt cà phê có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng, xám xanh hoặc xanh. Thỉnh thoảng cũng gặp nhưng quả chỉ có một hạt (do chỉ có một nhân hoặc do hai hạt bị dính lại thành một).

Thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch

Cây cà phê sau khi được trồng từ 3-4 năm sẽ ra quả. Tuy nhiên những đợt đầu (được gọi là bói quả) tùy theo mức độ sinh trưởng của cây, cũng như nhu cầu thu hoạch, người trồng thường vặt bỏ hoa không cho đậu trái bói, dồn sức để cây phát triển cành lá. Năm thứ 4 trở đi mới tiến hành thu hoạch đại trà. Giai đoạn từ 1-3 năm hay được gọi là giai đoạn kiến thiết cơ bản, giai đoạn năm thứ 4 trở đi được gọi là giai đoạn kinh doanh. Thông thường một vườn cà phê sau 20-25 năm, sẽ chuyển sang giai đoạn già cỗi, lúc này năng suất củ cây sẽ kém, bạn cần phải trồng mới hoặc cắt gốc và ghép chồi để cải tạo. Cà phê thường được thu hoạch trong khoảng tháng 10 đến hết tháng 1 (Dương Lịch), thời gian thu hoạch nhiều nhất là trong tháng 11.

Trên đây Nguyên Chất Coffee & Tea đã cùng các bạn đi tìm hiểu đặc điểm cafe Việt Nam, đến đây chắc các bạn đã nắm được những đặc điểm của cafe Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *